Số vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại tăng 19% so với cùng kỳ

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN tại Diễn đàn Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho biết, mặc dù tình hình suy thoái kinh tế và sức mua của người tiêu dùng sụt giảm, nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại thì không giảm. Năm 2023, QLTT đã phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, tăng 19% so với năm 2022.

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu, hàng nhái hàng giả
Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vụ buôn lậu hàng tiêu dùng bách hoá. Ảnh: CTV

Đồng thuận quan điểm nêu trên, ông Đỗ Hồng Chung – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong năm qua, tình trạng buôn lậu, giạn lận thương mại diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa bàn có đường biên giới. Các mặt hàng trọng tâm gồm thuốc lá điếu, đường cát, bia, rượu, thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, gỗ xây dựng và cả gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản…

Thêm một vấn đề nổi cộm là gần đây, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong môi trường thương mại điện tử gia tăng, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, xâm phạm quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đi cùng với hàng lậu còn có hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện tình trạng sản xuất hàng giả có quy mô lớn. Đơn cử như mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng, ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đến doanh thu của doanh nghiệp và thất thu ngân sách nhà nước. Không chỉ vậy, nó còn hình thành môi trường kinh doanh không lành mạnh, cạnh tranh không sòng phẳng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh trong nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, QLTT cho biết, cuộc chiến chống luôn lậu, gian lận thương mại rất gian nan.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng trong dịp tết, nhất là Tết Nguyên đán 2024 sắp tới, các đối tượng đã sử dụng các phương thức thủ đoạn mới để tối đa lợi nhuận thu được trong việc gian lận thương mại.

Các phương thức mới như che giấu nguồn gốc hàng hóa, đánh tráo, rút ruột hàng hóa, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Đức Lê đánh giá, đây là môi trường rất dễ xóa dấu vết, nếu đối tượng phát hiện cơ quan chức năng theo dõi, thì có thể lập tức xóa thông tin và có các thủ đoạn tinh vi khác để tẩu tán hàng hóa.

Khi kiểm tra trên các nền tảng mạng xã hội, có những đối tượng đã livestream bán hàng, nhưng thực tế không có hàng, sau khi nhận được đơn thì mới đặt hàng của các đối tượng khác, rồi vận chuyển từ biên giới, từ nơi sản xuất, tập kết về các chung cư, nhà ở và thông qua hệ thống chuyển phát nhanh để giao hàng.

Phối hợp các cơ quan chức năng và người dân để chống buôn lậu

Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai đề án 319, lực lượng QLTT đã tiến hành xử lý được 676 vụ vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử, tuy nhiên số vụ việc chỉ chiếm phần nhỏ so với thực tế.

Về giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, ông Đỗ Hồng Chung cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Cụ thể:

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu, hàng nhái hàng giả
Lực lượng QLTT hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật – hàng giả

Thứ nhất, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai các kế hoạch chuyên đề chống gian lận, buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Thứ hai, nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cấp, ngành một cách thường xuyên liên tục; kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh, liên tuyến phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.

Thứ ba, xử lý nghiêm túc những hành vi bao che, bảo kê tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, tăng cường tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về tác hại của những vấn đề này.

Thứ tư, người dân cần nói không với hàng hoá gian lận, đây là một công tác hữu hiệu trong chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới.

Thu nộp ngân sách hơn 501 tỷ đồng từ chống buôn lậu, gian lận thương mại

Năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%); thu nộp ngân sách hơn 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).