Ngày 16/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững”, nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về chính sách kinh doanh của Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Kiến nghị bổ sung xe điện kết hợp động cơ đốt trong được hưởng ưu đãi như xe điện

Tại sự kiện, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao những chính sách hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành. Đồng thời, mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy kinh tế xanh.

Nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho mục tiêu tăng trưởng xanh
Đại diện EuroCham và các bộ, ngành tại sự kiện

Trong đó có việc chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Theo đó, các doanh nghiệp EuroCham khuyến nghị xem xét bổ sung xe điện kết hợp động cơ đốt trong vào danh sách xe điện để có các chính sách hỗ trợ tương tự như xe điện chạy bằng pin về thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ; không áp dụng thuế nhập khẩu đối với xe điện và xe CBU lai nhập khẩu.

Điều này nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu dùng và tăng trưởng thị trường để bắt đầu chuyển đổi sang xe điện và đối với các bộ thiết bị CKD (linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài), nguyên liệu và thiết bị sản xuất để được nhập khẩu cho sản xuất và lắp ráp xe điện nhập khẩu…

Sách Trắng là một bản tóm tắt hợp tác đưa ra các khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Sách Trắng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan khác của Việt Nam và châu Âu góc nhìn thực tế về các vấn đề kinh tế quan trọng.

Sự phân tích và các nội dung cập nhật về chính sách được đề xuất nhằm hỗ trợ đối thoại song phương về các xu hướng, thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như tính bền vững, số hóa, tài chính và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, để hỗ trợ tương lai năng lượng tái tạo của Việt Nam, Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham cũng khuyến nghị hợp tác nhằm mục đích đơn giản hóa các hợp đồng mua bán và đầu tư năng lượng sạch, cũng như nhanh chóng đưa ra các quy định hiệu quả nhằm tạo điều kiện và duy trì tăng trưởng năng lượng xanh nhằm tối đa hóa tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ bổ sung thúc đẩy kinh tế xã hội để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho chuỗi cung ứng và lực lượng lao động.

Đồng thời, cho phép lĩnh vực tư nhân tham gia nhiều hơn là rất quan trọng để hiện thực hóa một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch nhằm duy trì sự thịnh vượng lâu dài.

Ban hành đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phương tiện thân thiện môi trường

Tại sự kiện, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính) đã trả lời một số kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu về các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đặc biệt là việc hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ phương tiện động cơ đốt trong sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho mục tiêu tăng trưởng xanh
Ông Trương Bá Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính) trả lời kiến nghị của EuroCham.

Ông Tuấn cho biết, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là một chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Có rất nhiều chính sách đã được ban hành để thực thi chủ trương đó, trong đó có các chính sách về thuế, phí, lệ phí để thực hiện và thúc đẩy chuyển đổi việc sử dụng các phương tiện đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, ví dụ như ô tô điện.

“Các chính sách ban hành thời gian vừa qua đã hỗ trợ đồng bộ cho doanh nghiệp sản xuất những phương tiện thân thiện môi trường với chi phí thấp hơn. Đồng thời cũng có những chính sách để khuyến khích người sử dụng, người dân có thể mua sắm có sản phẩm này. Qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường” – ông Tuấn khẳng định.

Chẳng hạn như Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt rất thấp đối với xe ô tô điện. Xe ô tô điện hiện nay chỉ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1- 3% từ nay đến năm 2027. Trong khi đó xe chạy bằng nguyên liệu hóa thạch như xăng dầu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ từ 15-150%.

Tương tự, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP về việc miễn giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện chạy pin. Trong đó, miễn 3 năm đầu tính từ thời điểm năm 2022 và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Trong khi đó lệ phí trước bạ đối với xe ô tô xăng thì từ 10-12%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một chương trình ưu đãi thuế để sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đáp ứng được các điều kiện đề ra trong chương trình thì được áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện phụ tùng nhập khẩu để sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có việc sản xuất lắp ráp ô tô điện.

“Đến hiện tại, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ xe chạy bằng động cơ đốt trong sang xe thân thiện với môi trường. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các chính sách thuế này để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp phù hợp với điều kiện và bối cảnh trong giai đoạn tới” – ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.

Ông Erik Contreras – Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh EuroCham chia sẻ: “Thông qua các chương trong Sách Trắng của Tiểu ban Phát triển xanh, chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam để đạt được các giải pháp bền vững thế hệ tiếp theo trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức chuyên môn toàn cầu về mọi lĩnh vực, từ các sáng kiến quản lý chất thải đến các thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng”.