Sản xuất công nghiệp: Hóa giải thách thức, tạo “đòn bẩy” cho năm 2024 Sản xuất công nghiệp tín hiệu tích cực từ đầu năm 2024

Tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Trong đó, có 2/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ năm trước (ngành khai khoáng giảm 3,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6 % so cùng kỳ, cũng là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây).

Công nghiệp chế biến, chế tạo: Tập trung giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ
Sản xuất công nghiệp trong năm 2023 đã có những tiến triển tích cực về cuối năm, tuy nhiên cần có biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.

Nhờ xu hướng tích cực từ quý II nên kết thúc năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng dương. Đáng chú ý, trong số 33 ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 thì có tới 21 ngành tăng trưởng so với cùng kỳ…

Một số ngành các tháng đầu năm giảm mạnh, đến cuối năm đã có phục hồi rất tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ như ngành sản xuất xe có động cơ; ngành sản xuất kim loại 6 tháng đầu năm giảm mạnh, đến 6 tháng cuối năm tăng trưởng tốt trên 15%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là sản phẩm linh kiện điện tử, tuy nhiên đã có tín hiệu tích cực, quý IV đã tăng trưởng trở lại.

Một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước, nhờ có các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp khai thác tốt lợi thế địa phương, chính quyền địa phương quan tâm, sát sao chỉ đạo đã có tăng trưởng tốt, điển hình như Bắc Giang, Trà Vinh, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam, Kiên Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng.

Về chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5% (năm 2022 là 78,1%).

Báo cáo Bộ Công Thương cũng chỉ ra, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến việc tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước. “Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu”- báo cáo nêu.

Linh hoạt ứng phó -khơi thông hàng tồn kho

Dự báo năm 2024 phục hồi sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.

Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương trong năm 2024 sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.

Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), quan trọng các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành trong thời gian qua liên tục được thực hiện cả trong và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý, một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục, phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *