Chú thích ảnh
Trang sức vàng được trưng bày tại triển lãm ở Cairo, Ai Cập, ngày 28/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Giá vàng châu Á gần mức thấp nhất của 5 tuần

Chiều 18/1, giá vàng kỳ hạn của Mỹ có lúc đã tăng 0,1% lên 2.008,17 USD/ounce, một ngày sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 13/12 là 2.001,72 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 2.010,10 USD/ounce.

Nhà giao dịch tại GoldSilver Central có trụ sở tại Singapore, ông Brian Lan cho hay đồng USD mạnh dần lên trong những ngày qua gây áp lực lên giá vàng. Chỉ số đồng USD đã “neo” gần mức cao nhất của 5 tuần sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 12/2023, giúp nền kinh tế vững chắc khi bước vào Năm mới. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng dao động gần mức cao nhất của 5 tuần.

Đồng USD mạnh lên khiến vàng, vốn được giao dịch bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.

Các nhà giao dịch hiện đang hướng sự chú ý đến bình luận của Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic. Ông Raphael Bostic dự kiến sẽ có bài phát biểu tại hai sự kiện vào cuối ngày 18/1.

Ông Bostic cho biết lạm phát có thể “bấp bênh” nếu các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất quá sớm, đồng thời lặp lại bình luận của của Thống đốc Fed Christopher Waller rằng Fed không nên vội vàng hạ lãi suất cho đến khi lạm phát ở mức thấp và được duy trì trong một thời gian.

Theo số liệu của LSEG, các thị trường tiền điện tử đang đặt cược vào 142 điểm cơ bản về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, đồng thời định giá 61% khả năng Fed sẽ nới lỏng vào tháng 3/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 22,58 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,2% lên 885,30 USD/ounce. Còn giá palladium tăng 0,9% lên 923,54 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, lúc 15 giờ 57 phút, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,80 – 76,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Giá dầu châu Á tăng nhờ ước tính nhu cầu của OPEC

Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 18/1 trong bối cảnh Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng tương đối mạnh trong hai năm tới và thị trường nhận thấy sản lượng dầu của Mỹ bị gián đoạn do một đợt rét đậm, cũng như căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Khoảng 13 giờ 05 phút, giá dầu Brent biển bắc tăng 21 xu, tương đương 0,3%, lên 78,09 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 40 xu, tương đương 0,6%, lên 72,96 USD/thùng.

Trong một báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng mạnh 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025 lên 106,21 triệu thùng/ngày. Trong năm 2024, OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo đưa ra trong tháng 12/2023.

Tuy nhiên đà tăng của giá dầu đã bị chững lại do thị trường đang xem xét nhiều số liệu khác nhau.

Chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, ông Yeap Jun Rong cho biết lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ tăng bất ngờ và điều kiện phục hồi đầy thách thức ở Trung Quốc tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu dầu, mặc dù thị trường vẫn cảnh giác với những diễn biến địa chính trị.

Trong khi đó, tại bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ là North Dakot đã trải qua thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ dưới 0 độ F (âm 18 độ C) khiến sản lượng dầu giảm 650.000 đến 700.000 thùng/ngày, ít hơn một nửa sản lượng thông thường.

Dữ liệu chính thức của Chính phủ Mỹ về lượng dầu dự trữ sẽ được công bố vào lúc 23 giờ ngày 18/1. Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 17/1, lượng dầu dự trữ tại các kho trong nước đã tăng khoảng 480.000 thùng trong tuần trước.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến thị trường dầu mỏ sẽ ở “trạng thái cân bằng” trong năm 2024 bất chấp tình hình căng thẳng ở Trung Đông, trong bối cảnh nguồn cung tăng và triển vọng tăng trưởng nhu cầu chậm lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *